Trang chủ

Chuyển đổi số

Lấy ý kiến rộng rãi Hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống Camera giám sát tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính
08/09/2012 | 12:00 AM

Nhằm triển khai việc bố trí Camera giám sát hoạt động giao dịch tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thống nhất, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo hướng dẫn và lấy ý kiến rộng rãi đối với các xã/ phường làm điểm. Đây là nội dung chính trong buổi làm việc do Phó Giám đốc Đặng Vũ Tuấn chủ trì diễn ra vào ngày 06/9/2012.

Hệ thống Camera khi được lắp đặt sẽ là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát, kiểm tra, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, giúp lưu trữ số liệu tùy ý theo thời gian về các hoạt động tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hướng dẫn về kỹ thuật được dự thảo lần này nhằm khuyến nghị các yêu cầu tối thiểu áp dụng khi triển khai hệ thống Camera giám sát hoạt động giao dịch tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống máy móc, thiết bị CNTT tại xã/ phường. Đối với những hệ thống đã được đầu tư, triển khai thì nội dung hướng dẫn sẽ là căn cứ để áp dụng cho việc nâng cấp, mở rộng.

Bên cạnh đó, hệ thống còn giúp giám sát từ xa thường xuyên, liên tục không phụ thuộc vào không gian, thời gian toàn bộ hoạt động đang diễn ra tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch hóa các giao dịch của cơ quan nhà nước với người dân, hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu ngay tại bộ phận này; tăng cường ứng dụng CNTT, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới đáp ứng yêu cầu của mô hình chính quyền điện tử.

Đại diện các phường Việt Hưng, Gia Thụy (quận Long Biên) cho biết, các Camera đã lắp đặt thử nghiệm tại địa phương hoạt động tốt và bước đầu phát huy tác dụng. Lãnh đạo các phường theo sát được công việc tiếp dân hàng ngày trong khi cán bộ công chức thực thi công vụ có thái độ nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, chỉ lắp Camera là chưa đủ, các đơn vị này cho rằng cần thúc đẩy việc trang bị các thiết bị hiện đại khác, tăng cường ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính như: thiết bị đọc mã vạch để tra cứu hồ sơ, xây dựng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đáp ứng được yêu cầu. Đồng quan điểm trên là đại diện các huyện: Từ Liêm, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Huyện Từ Liêm kiến nghị việc triển khai đồng bộ cũng nên xem x;ét phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhất là về khả năng và nhân lực tiếp cận CNTT. Hệ thống Camera cần nâng cấp sử dụng màn hình cảm ứng và bổ sung chức năng âm thanh, nâng cao tính minh bạch trong quá trình tiếp công dân. Để đảm bảo tính đồng bộ, Sở Thông tin và Truyền thông cần xây dựng tiêu chí mô hình xã điện tử, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ CNTT cho cán bộ cấp xã...

Về phía sở, ngành, các đại biểu dành nhiều quan tâm tới việc trang bị các thiết bị CNTT cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính, sao cho đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, để việc đầu tư của Thành phố vừa "đúng" và "trúng". Để được như vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương tham gia thí điểm phải hết sức chặt chẽ; sự tham mưu của đơn vị thường trực phải rõ ràng, thiết thực. Lộ trình thực hiện và hướng dẫn sử dụng kinh phí triển khai cần chi tiết, cụ thể. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với dự thảo hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống Camera giám sát do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng.

Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Đặng Vũ Tuấn ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu, đề nghị nhóm soạn thảo điều chỉnh để xây dựng mô hình phù hợp. Sự phân công nhiệm vụ giữa các thành phần tham gia cũng như cơ chế phối kết hợp cũng cần được nghiên cứu kỹ để tạo động lực trong quá trình triển khai. Những kiến nghị ghi nhận tại hội nghị sẽ được tiếp thu, đề xuất lên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Ban chỉ đạo CNTT của Thành phố, rút kinh nghiệm khi nhân rộng mô hình thí điểm./.

  quy hoạch - kế hoạch