Home

số hóa truyền dẫn

Hướng dẫn người dân trong việc thực hiện chuyển đổi công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyên hình số
27/11/2014 | 12:00 AM

Người dân có 03 cách để xem truyền hình số

Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trong việc chuyển đổi công nghệ truyền hình tương tự (analog) sang truyền hình số (digital). Theo đó, từ ngày 1/4/2014 đến hết 31/12/2016, truyền hình analog sẽ được tắt hoàn toàn và chuyển sang sử dụng tín hiệu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn số hóa truyền hình mà Việt Nam đã lựa chọn.

Tại Việt Nam hiện có một số đơn vị cung cấp truyền hình số, trong đó Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG đang triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 với mạng đơn tần. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã quyết định sử dụng tiêu chuẩn DVB-T2 và phát sóng chính thức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2013. Công ty Truyền hình Kỹ thuật số VTC, hiện có khoảng hơn 3 triệu thuê bao sử dụng đầu thu kỹ thuật số (set-top-box) chuẩn DVB-T cũng có kế hoạch triển khai phát sóng truyền hình số tiêu chuẩn DVB-T2 và dần chuyển đổi hoàn toàn công nghệ sang DVB-T2.

Hiện trên cả nước có khoảng 22 triệu hộ có tivi. Trong đó, khoảng 12,5 triệu hộ đang xem truyền hình mặt đất phát sóng quảng bá (thu analog bằng anten giàn) và hơn 3,5 triệu hộ dân xem ti vi số mặt đất chuẩn DVB-T chủ yếu tập trung tại khu vực nông thôn, đều thuộc đối tượng sẽ phải thực hiện việc chuyển đổi công nghệ khi tín hiệu truyền hình tương tự analog chuyển sang tín hiệu truyền hình số digital.

Vậy khi công nghệ chuyển đổi, để xem được các chương trình truyền hình, người tiêu dùng cần thực hiện một trong các cách sau:

1. Đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền

Các thuê bao đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, cáp analog, số vệ tinh, kể cả truyền hình Internet hay còn gọi là IPTV đều không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Vì vậy, nếu các hộ gia đình đang dùng tivi thế hệ cũ có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cáp hoặc IPTV để không phải chuyển đổi thiết bị thu xem.

Hiện nay trên cả nước, có rất nhiều đơn vị đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền để người dân lựa chọn như: K+, VTC và AVG - truyền hình vệ tinh; VTVcab, SCTV, HTVC, TCTV ,... - truyền hình cáp; MyTV(VNPT), NetTV(Viettel), OneTV(FPT) - truyền hình Internet.

2. Mua đầu thu kỹ thuật số (Set-top-box) chuẩn DVB-T2/MPEG4

Đối với những hộ đang dùng tivi analog hoặc tivi số nhưng không đúng chuẩn số hóa (DVB-T2) nên chuyển sang mua đầu thu kỹ thuật số (Set-top-box) chuẩn DVB-T2/MPEG4. Một thiết bị set-top-box chuẩn DVB-T2 hiện nay có giá khoảng từ vài trăm nghìn đồng cho đến trên 1 triệu đồng.

Các hộ gia đình không nên tiếp tục mua sắm mới đầu thu truyền hình số theo chuẩn cũ DVB-T vì tuy hiện tại vẫn có thể xem được truyền hình nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa đầu thu loại này sẽ không dùng được, phải mua mới, nâng cấp gây lãng phí tiền của.

Ngoài ra, người dân không nên mua đầu thu kỹ thuật số trôi nổi được bán trên thị trường, không đủ cả 3 chứng nhận về nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và logo số hóa truyền hình để đảm bảo chất lượng thu sóng truyền hình số đúng quy chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành.

3. Mua tivi mới có tích hợp chuẩn DVB-T2/MPEG4

Theo lộ trình số hóa truyền hình của Bộ TT&TT, từ ngày 1/4/2014, các tivi nhập khẩu hoặc sản xuất để sử dụng tại Việt Nam thuộc chủng loại máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và công nghệ màn hình tiếp theo từ 32 inch trở lên đều phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2. Các doanh nghiệp sản xuất tivi và đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 phải thực hiện đồng thời việc dán nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy lên sản phẩm và dán logo biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam lên phía trước thiết bị để người dân dễ nhận biết. Sau đó, từ ngày 1/4/2015, những TV có kích cỡ từ 32 inch trở xuống cũng phải hoàn tất việc tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2.

Hiện nay trên thị trường có nhiều model tivi số của các hãng điện tử tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2/MPEG4. Các thương hiệu TV lớn ở Việt Nam như Samsung, Sony, LG... đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 vào các dòng tivi 2014. Các hãng sản xuất cũng khuyến khích người dùng vùng nông thôn chuyển sang các loại tivi tích hợp DVB-T2 bằng những model giá rẻ.

Vì vậy, nếu định mua tivi mới thì người tiêu dùng nên mua các mẫu tivi đã tích hợp sẵn tính năng thu tín hiệu chuẩn DVB-T2, không mua tivi theo chuẩn DVB-T hoặc tivi analog. Tivi được dán nhãn DVB-T2 (để phân biệt với dòng TV cũ) có thể xem được các kênh miễn phí và kênh trả phí mà không cần đầu thu kỹ thuật số. Người dùng muốn tiết kiệm chi phí có thể xem các kênh miễn phí, không phải trả tiền thuê bao hiện nay như: VTC (28 kênh), AVG (14 kênh) và VTV (8 kênh).

Số hóa truyền hình là con đường tất yếu của truyền hình Việt Nam để bắt kịp thế giới. Không chỉ vậy, nó còn giúp hình thành thị trường truyền dẫn và phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội, tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phục vụ tuyên truyền rộng rãi đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người dân cả nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc người dân tự trang bị phương tiện thu sóng truyền hình chuyển đổi theo công nghệ số, Chính phủ và các địa phương nằm trong lộ trình số hóa cũng đã có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình tham gia Đề án.

Riêng tại Hà Nội, Thành phố cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu tặng miễn phí 50.000 đầu thu kỹ thuật số cho 100% hộ nghèo trên địa bàn Thành phố và hỗ trợ 600.000 đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình khác. Đây là việc làm cần thiết bởi theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Hà Nội cùng 4 thành phố khác: TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng sẽ là những địa phương đầu tiên thực hiện chuyển đổi sang số hóa truyền hình. Theo đó, lộ trình số hóa của Hà Nội được chia làm 2 nhóm (nhóm I và nhóm II) và 2 giai đoạn (giai đoạn I trước ngày 31/12/2015 đối với Hà Nội cũ và giai đoạn II trước ngày 31/12/2016 đối với phần còn lại). Trong đó, nhóm I bao gồm các quận, huyện thuộc Hà Nội cũ: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Hoàng Mai. Nhóm II là toàn bộ địa bàn còn lại.