Home

số hóa truyền dẫn

Hà Nội khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất
27/11/2014 | 12:00 AM

Sự phát triển vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học - công nghệ thế giới đã đặt ra các yêu cầu mới đối với công nghiệp phát thanh và truyền hình. Với lợi thế sẵn có, những năm qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với nội dung này, Thành phố cũng xác định số hóa vừa là yêu cầu phát triển của Thủ đô vừa là xu thế công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, để quá trình số hóa thuận lợi, người dùng phải thực sự hiểu được những lợi ích mà công nghệ này mang lại, đồng thời sự tham gia tích cực của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đóng vai trò quan trọng.

Tại Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2014 về triển khai Đề án số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến cấp huyện, cấp xã...theo kế hoạch số hóa hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của các doanh nghiệp. Chủ động đàm phán với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng khác để dùng chung cơ sở hạ tầng và tham gia hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian qua, Thành phố cũng đã có nhiều hoạt động chỉ đạo các Sở, ngành trong việc tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất như yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội làm việc với Cục Viễn thông để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin Cấp Giấy ph;ép thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng số truyền hình mặt đất, với 02 tần số được cấp ph;ép đối với Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng Đồng bằng sông Hồng (gọi tắt là RTB).

Đối với hoạt động triển khai Dự án chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phóng sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định 6485/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 28/10/2013, các Sở, ngành cũng đã và đang tiếp tục hỗ trợ Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong việc rà soát các gói thầu của Dự án, đẩy nhanh trình tự, thủ tục đầu tư và kế hoạch thực hiện các gói thầu, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án: Từ ( năm 2014 - năm 2017) thành (năm 2014 - năm 2015) trình UBND Thành phố phê duyệt để đồng bộ với lộ trình số hóa của thành phố Hà Nội. Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ lộ trình số hóa của Thành phố, chủ động báo cáo UBND Thành phố khả năng cân đối nguồn vốn để Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện Dự án.

Tích cực tham gia thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (gọi tắt là AVG) đã cam kết tặng 50.000 đầu thu cho 100% hộ nghèo trên địa bàn Thành phố (dự kiến 45.000 hộ nghèo) cùng với quà tặng của UBND Thành phố vào dịp kỷ niệm 60 Năm giải phóng Thủ đô.

Sáng ngày 02/10, 30 hộ nghèo đang sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy đã được đại diện các Sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Công ty AVG trao tặng đầu thu kỹ thuật số tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Số đầu thu kỹ thuật số trao tặng được phía Công ty AVG cam kết đảm bảo chất lượng và gói hòa mạng, chất lượng truyền hình số mặt đất đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, miễn phí hòa mạng và thuê bao để xem được 70 kênh truyền hình kỹ thuật số, đã bao gồm 10 kênh tuyên truyền thiết yếu quốc gia và 2 kênh tuyên truyền thiết yếu của Thành phố Hà Nội trong thời gian từ ngày 01/10 đến 31/12.

Theo kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có Công văn gửi UBND Thành phố đề xuất giao UBND các quận, huyện phối hợp với Công ty AVG tổ chức chương trình tặng miễn phí 600.000 đầu thu kỹ thuật số có thu phí thuê bao, với tổng giá trị khoảng 62 tỷ đồng, sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tổ chức thí điểm trên 3 quận nội thành (Cầu Giấy, Đống Đa và Bắc Từ Liêm) thực hiện từ 15/10 đến 15/11. Giai đoạn 2 tiếp tục triển khai trên địa bàn toàn Thành phố.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện và triển khai Đề án trên địa bàn, UBND Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị Sở, ngành, doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp về thị trường dịch vụ như: khuyến khích việc xây dựng và phát triển hạ tầng mạng tại các khu vực tập trung dân cư và có nhu cầu sử dụng cao. Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã được cấp ph;ép triển khai các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình cáp công nghệ IPTV và truyền hình Internet trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp có giấy ph;ép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất dành dung lượng để truyền tải (không mã hóa) các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, đảm bảo có ít nhất một mạng truyền dẫn, phát sóng số chuyển tải các kênh chương trình này. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc sản xuất và lưu thông kinh doanh trên thị trường các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng với từng thời điểm cụ thể.

Việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số là một quá trình phức tạp, có tác động xã hội rất lớn. Quá trình đó đòi hỏi nhiều thời gian và sự phối hợp đồng thuận của tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, nhà đài, các hãng sản xuất ti vi cho tới cá nhân người sử dụng. Để Đề án đạt hiệu quả cao Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã khẳng định "Chúng ta phải đảm bảo lộ trình số hóa, đảm bảo mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng truyền hình và phục vụ người dân tốt nhất"./.