Trang chủ

Ứng dụng Công nghệ thông tin

Hà Nội - địa phương đầu tiên thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công
19/09/2024 | 10:43 AM

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng.

Tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính

 

Ngày 17/9, UBND TP Hà Nội có tờ trình gửi HĐND TP về việc xem xét thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội.

 

Theo UBND TP Hà Nội, việc thí điểm thành lập Trung tâm là thực hiện theo Nghị quyết số 142 ngày 29/6/2024 của Quốc hội; Nghị quyết số 108 ngày 10/7/2024 của Chính phủ: “Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính”.

 

Thủ tướng Chính phủ cũng có kết luận với riêng thành phố Hà Nội: “UBND TP Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND TP là cơ quan hành chính,thí điểm thực hiện từ tháng 9/2024 đến ngày 30/11/2025”.

 

Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội (Trung tâm), theo chỉ đạo của Thủ tướng. Dự kiến, HĐND TP Hà Nội sẽ thông qua đề án này tại kỳ họp gần, khai mạc ngày 30/9/2024.

 

Mô hình tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công giai đoạn 1

 

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 677 Bộ phận Một cửa được bố trí tại các địa điểm thuận tiện cho việc tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân dễ tiếp cận (thường đặt tại vị trí trung tâm của trụ sở đơn vị). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn tăng cao qua từng năm, cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

 

Thế nhưng, điểm nhấn của mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công lần này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: Thiếu tính độc lập; Chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; Chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.

 

Theo đề án, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Trung tâm sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính.

 

Bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện thủ tục hành chính). 

 

Giảm số lượng bộ phận "một cửa"

 

UBND TP Hà Nội khẳng định việc thí điểm thành lập Trung tâm sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP; bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến được giao.

 

Toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của thành phố sẽ được thiết kế, thiết kế lại; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư; giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

 

Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp. 

 

Chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện.

 

Thủ tục hành chính tại Hà Nội sẽ được số hoá toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

 

 

Trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Dự kiến đặt trụ sở điều hành chính của Trung tâm tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

 

Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm được thực hiện với nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của Trung tâm. Thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

 

Trung tâm “không làm thay” chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan; tăng cường mối quan hệ phối hợp ngang, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

 

Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm được thực hiện trên cơ sở: “Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, thực tế” với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp.

 

Theo UBND TP Hà Nội, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh); giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người), giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.

 

Việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại” của Thành phố nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới.\

 

Huy Kiên