Trang chủ

Thanh tra

Hà Nội chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật tới cơ sở
Ngày đăng 08/04/2013 | 12:00 AM  | View count: 938

Theo Báo cáo của thành phố Hà Nội, từ ngày 01/8/2008 đến nay, các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (Nguồn: Internet)

Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL luôn chủ động, bảo đảm tiến độ, chất lượng của văn bản khi được thi hành. Trong 5 năm, thành phố đã ban hành gần 600 văn bản QPPL, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Các văn bản QPPL không chỉ là công cụ quản lý hữu hiệu để cơ quan quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, mà còn là điều kiện để mọi tổ chức, công dân giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước của thành phố.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân từng bước được nâng lên, đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 - 2012 của Hà Nội đã tập trung vào 6 nhóm đối tượng: cán bộ, công chức; người dân thành thị và nông thôn; phụ nữ, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã kết hợp hài hòa giữa hình thức truyền thống và hình thức mới, cụ thể như: thực hiện "ngày pháp luật"; tuyên truyền miệng; biên soạn, phát hành tài liệu; thi tìm hiểu pháp luật; khai thác tủ sách pháp luật; hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; phổ biến, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng... Hiện nay, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điều kiện để tiếp cận với văn bản pháp luật. Đa số cán bộ và nhân dân đều có thể biết và tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật nếu có nhu cầu.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể; chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng: cán bộ xã, phường, thị trấn; nhân dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động trong các doanh nghiệp; thanh niên là phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng; người khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người./.