Trang chủ

Thanh tra

Vi phạm bản quyền máy tính tại Việt Nam tiếp tục giảm
Ngày đăng 18/05/2012 | 12:00 AM  | View count: 970

Năm 2011, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 81%, giảm 2% trong hai năm liên tiếp, so với mức 83% năm 2010 và 85% năm 2009.

Tại cuộc họp báo về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm 2011 do Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 17/5/2012 tại Hà Nội, đại diện BSA cho hay tổng giá trị thương mại toàn cầu của các phần mềm bị vi phạm bản quyền đã tăng từ 58,8 tỉ USD năm 2010 lên 63,4 tỉ USD năm 2011.

Trong số những người được điều tra, một số người sử dụng đầu cuối cho biết họ sử dụng phần mềm không có bản quyền toàn bộ hoặc phần lớn thời gian. Một bộ phận người dùng máy tính khác cho biết thỉnh thoảng mới sử dụng phần mềm không bản quyền hoặc ít khi làm việc này.

Cùng đó, 36% số người thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát cho biết đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp "mọi lúc", "phần lớn thời gian" hay "thỉnh thoảng", và 27% số khác cho biết "ít khi" sử dụng. Nghiên cứu cũng chỉ ra những đối tượng thừa nhận có vi phạm bản quyền phần mềm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu là nam giới, trong đó 32% ở độ tuổi 18-24.

Riêng tại Việt Nam, Nghiên cứu của BSA cũng cho thấy năm 2011 Việt Nam có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính là 81%. Như vậy, con số này cho thấy Việt Nam giảm 2% trong hai năm liên tiếp, so với mức 83% năm 2010 và 85% năm 2009. Giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền là 395 triệu USD, giảm 4% so với năm trước.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp phụ trách Phòng chống Vi phạm bản quyền khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho biết: "Những kết quả tích cực của việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm này là bằng chứng cho thấy những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Dù vậy vẫn còn nhiều việc phải làm, và Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống ngang bằng với tỉ lệ của khu vực hay thế giới là 60% và 42%".

Trong thời gian qua, BSA đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước liên quan nhằm bảo vệ bản quyền phần mềm. Nhiều chiến dịch tuyên truyền và hội thảo về quản lý tài sản phần mềm đã được tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp bán lẻ các sản phẩm CNTT và các cơ sở giáo dục./.