Toàn cảnh Hội nghị Phổ biến Giáo dục pháp luật đợt 1 (T.L)
Năm 2013 là năm bắt đầu có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (từ 01/02/2013) và Luật Phổ biến Giáo dục pháp luật (từ 01/01/2013). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2012, là lần sửa đổi, bổ sung thứ 2, tái khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định trong Luật được đánh giá là tiến bộ, tiệm cận với luật pháp quốc tế. Cụ thể, từ thực tiễn phát hiện hành vi tham nhũng chủ yếu phát sinh trong một số lĩnh vực, lần sửa đổi, bổ sung này đã quy định rõ về việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng (Điều 14), quản lý doanh nghiệp nhà nước (Điều 18), lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Điều 21), văn hóa - thông tin - truyền thông (Điều 26a), nông nghiệp và phát triển nông thôn (Điều 26b), thực hiện chính sách an sinh xã hội (Điều 26c), chính sách dân tộc (Điều 26d), công tác tổ chức cán bộ (Điều 30). Để phòng ngừa tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó có nghĩa vụ kê khai tài sản của một số đối tượng. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 ghi rõ, Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc (thay vì chỉ nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản theo Điều 46, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005); đồng thời, bổ sung quy định về người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm.
Trên cơ sở Kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", một điểm quan trọng khác trong lần sửa đổi, bổ sung này là bãi bỏ Điều 73 - Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Theo đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực. Trước đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
Các nội dung cơ bản của Luật Phổ biến Giáo dục pháp luật cũng được giới thiệu tại Hội nghị. Luật này được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, gồm 5 Chương, 41 Điều, quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.
Hội nghị cũng nghe một số nội dung mới của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (cùng được thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2012), thay thế Luật Khiếu nại, Tố cáo trước đây. Qua đó, làm rõ một số điểm trong Luật Khiếu nại như: trình tự, hình thức khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đặc biệt nhấn mạnh quy định người khiếu nại có quyền khiếu nại theo trình tự (lần đầu tiên đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính, lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính trong mọi trường hợp. Luật Tố cáo được giới thiệu dưới góc độ 6 nội dung mới: đã mở rộng phạm vi điều chỉnh; quy định đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo và những người khác có liên quan; xác định rõ thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong giải quyết tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo rõ ràng hơn; cơ chế bảo vệ người tố cáo toàn diện và tiến bộ; đã bổ sung quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo và các chế tài xử lý.
Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật là hoạt động thường xuyên của Sở Thông tin và Truyền thông và được toàn thể cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng./.