Trang chủ

Ứng dụng Công nghệ thông tin

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin
11/07/2015 | 12:00 AM

An toàn bảo mật thông tin mạng đã và đang là vấn đề nóng hiện nay. Chừng nào công nghệ thông tin (CNTT) còn phát triển thì cuộc đấu tranh bảo đảm an ninh, an toàn thông tin sẽ còn tiếp tục và quyết liệt hơn. Để phát triển an toàn thông tin số, vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và người sử dụng.

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và đông đảo người sử dụng về an toàn thông tin, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và tách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, cả nước phấn đấu đạt dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin do con người; trên 50% người sử dụng, trong đó trên 60% học sinh và trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ và kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin; trên 80% công chức, viên chức, cán bộ cơ quan nhà nước được tuyên truyền về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước; trên 80% cán bộ, công nhân viên, người lao động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT được tuyên truyền về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, tách nhiệm và quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin; trên 90% phóng viên chuyên ngành và lãnh đạo các đơn vị được phổ biến về nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt nam và trên thế giới.

Đề án gồm 4 nhiệm vụ chính: định hướng hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin tại các cơ sở giáo dục; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương thức khác.

Theo từng chủ đề, chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhiều hình thức tuyên truyền phong phú: xây dựng tài liệu tuyên truyền, tài liệu giáo dục trong các bậc học, tổ chức các cuộc thi về an toàn thông tin; mở chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiên thông tin đại chún; sản xuất phóng sự, chương trình trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình, bài viết trên báo viết, báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội; tổ chức tập huấn cho phóng viên; tuyên truyền cổ động trực quan, qua pano, áp phích, các vật dụng được in ấn, biểu trưng nhận diện; tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm; đánh giá công bố các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin...

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai các nhiệm vụ. Đề án có sự tham gia của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc địa bàn thực hiện nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở. Chủ trì, phối hợp cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương thức khác. Bố trí ngân sách địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ Đề án./.