Trang chủ

Báo chí - xuất bản - truyền thông

Hội nghị quán triệt Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản
24/05/2017 | 2:34 PM

Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản do Ban Tuyên giáo Trung ương  phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào ngày 19/5/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh.  Tham dự và chủ trì Hội nghị có: đồng chí  Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, đồng chí Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và  đại diện các Bộ, ngành, Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội In Việt Nam, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản, công ty sách trong cả nước.

 

Hội  nghị đã được nghe đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về chương trình hành động thực hiện Thông báo Kết luận số 19- TB/TW của Bộ Thông tin và Truyền thông gắn với nhiệm vụ trọng tâm ngành xuất bản hiện nay, đồng chí Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày chương trình thực hiện Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Hội Xuất bản Việt Nam và các tham luận của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Nhà xuất bản Nghệ An, Hội in Việt Nam, Thư viện Quốc gia  Việt Nam, Công ty Cổ phần phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (FAHASA).

Các báo cáo đã nhận định: hoạt động xuất bản hiện nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản đã có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản. 

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động xuất bản vẫn bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế. Đó là chưa đạt chỉ tiêu về số lượng bản sách/người/năm như trong Chỉ thị 42 đã đề ra; số tác phẩm có giá trị chiếm tỉ lệ chưa cao; năng lực quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế; mô hình tổ chức chưa phù hợp; công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, nhất là quản lý xuất bản điện tử có nhiều bất cập, hạn chế...Hoạt động liên kết xuất bản tồn tại nhiều mặt tiêu cực, các nhà xuất bản bị các đơn vị liên kết chi phối khá nhiều, đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng các tác phẩm khi được xuất bản.

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với các thành tựu mà ngành xuất bản đã đạt được kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thứ khóa IX cũng như  những vấn đề tồn tại của ngành, đồng thời, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương đều xây dựng kế hoạch quán triệt và phương hướng hành động nhằm thực hiện Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư. 

Đặc biệt, mô hình Phố Sách Hà Nội vừa được khai trương đi vào hoạt động tại Phố 19/12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, các đại biểu tham luận tại Hội nghị nhắc đến với tinh thần biểu dương, một hành động thiết thực của Thành phố nhằm phát triển văn hóa đọc, tạo dựng một không gian đẹp, phục vụ nhu cầu giao lưu văn hóa, giáo dục của Thủ đô. Đây là một mô hình cần được nhân rộng trong cả nước nhằm cụ thể hóa, để các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 42-CT/TW, Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư thực sự đi vào cuộc sống. 

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt các

nội dung của Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII)

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, để thực hiện tốt từng cấp ủy, bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, nhà xuất bản cần chủ động rà soát quy trình xuất bản, đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những điểm mạnh, nguyên nhân, trách nhiệm hạn chế trong hoạt động xuất bản. Qua đó, từng ngành, nhà xuất bản có dự báo, định hướng phát triển, tháo gỡ khó khăn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt quản lý nhà nước về xuất bản, có quy chế, cơ chế hoạt động nhanh nhạy, thích ứng yêu cầu phát triển của xã hội,  xuất bản được những tác phẩm có chất lượng tốt phục vụ bạn đọc, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả các tư tưởng sai trái. Đối với tổ chức Hội Xuất bản cần nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện, bảo vệ quyền lợi các thành viên, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế phù hợp để Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động đúng với tính chất của hội đặc thù được hưởng chế độ của hội chính trị-xã hội- nghề nghiệp.… Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các quy định, đề xuất phương án, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy hoạch, chính sách, pháp luật sát thực tiễn, tạo chuyển biến mạnh trong hoạt động xuất bản.

Bích Ngọc

  quy hoạch - kế hoạch