Báo chí - xuất bản - truyền thông
Chiều 10/7, Ban Tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ đã tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh chủ trì.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: KTĐT)
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Trung ương
Theo Ban Tổ chức cấp Quốc gia, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Trung ương sẽ bao gồm 18 hoạt động chính, cụ thể như sau:
1. Trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
2. Tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc 7g30 ngày 27/72017. Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ vào 9 giờ 30 ngày 27/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Danh nghĩa tổ chức: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Thời gian: 9h00 ngày 27/7/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
3. Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, thành phố Hà Nội vào ngày 26/7/2017 (với quy mô gần 1.300 đại biểu, trong đó 700 đại biểu là người có công với cách mạng). Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đối với 70 đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen đối với 630 đại biểu về dự Hội nghị. Sau Hội nghị, Ban Tổ chức mời 700 đại biểu người có công dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Cung Hữu nghị Việt Xô.
4. Tổ chức cầu truyền hình vào 20g00 ngày 26/7/2017 (trực tiếp trên VTV1) tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 4 điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị và Thái Nguyên chủ đề “Dáng đứng Việt Nam”, Địa điểm truyền hình trực tiếp: Tại Hà Nội: Tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn; tại Thái Nguyên: Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7; tại Quảng Trị: Thành Cổ; tại thành phố Hồ Chí Minh: Đền thờ bến Dược.
5. Tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc: Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo công tác tổ chức thực hiện chương trình. Đồng thời, tổ chức chính tại 4 điểm: Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang; Nghĩa trang đồn Tân Biên, Tây Ninh, Nghĩa trang liệt sỹ tại Côn Đảo; Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
6. Tổ chức hoạt động tri ân liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia: Đặt hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia.
7. Các tỉnh, thành phố - nơi có nhà tù của đế quốc (Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nội, Sơn La,… ) căn cứ vào điều kiện cụ thể, chủ trì phối hợp với Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hi sinh trong nhà tù đế quốc.
8. Tổ chức Kỷ niệm truyền thống 45 năm sự kiện Thành cổ và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Thành cổ”.
9. Phát động vận động, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Ngày 27/4/2017, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm vận động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tại lễ phát động, có 55 đơn vị đăng ký ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương với tổng số tiền đăng ký ủng hộ là 3.782.700.000 đồng.
10. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ” trong đoàn viên thanh niên; phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát động phong trào mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi cán bộ công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm một việc tốt, giúp đỡ ít nhất 01 gia đình, 01 người có công với cách mạng nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng.
11. Phát hành các tác phẩm âm nhạc về đề tài thương binh - liệt sỹ và tổ chức tuần lễ phim về thương binh, liệt sỹ và người có công.
12. Hội Nhà văn Việt Nam: Phát động cuộc vận động sáng tác các thể loại truyện ngắn, truyện thơ, bút ký, hồi ký...; tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học tôn vinh người có công với cách mạng.
13. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
14. Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh tại cấp tỉnh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Kết quả: Đến cuối tháng 6/2017 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng công nhận 498 liệt sỹ và ngày 7/7/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 989/QĐ-TTg công nhận 498 liệt sỹ. Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sỹ tổ chức vào chiều ngày 18/7/2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự kiến, sẽ tiếp tục rà soát các hồ sơ tồn đọng và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sỹ vào dịp Quốc khánh 02/9 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
15. Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410.000 hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa xây dựng nhà ở mới, phấn đấu đến hết năm 2018 giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ theo kết quả rà soát.
16. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Hiện nay còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập; trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đang an táng tại nghĩa trang liệt sỹ chưa đủ thông tin. Đây là điều day dứt của Đảng và Nhà nước. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ do Bộ Quốc phòng thực hiện; Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện. Hai Đề án đang được triển khai tích cực.
17. Các hoạt động Tuyên truyền:
Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Kế hoạch hướng dẫn công tác tuyên truyền; Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương xây dựng và phát sóng bộ phim “70 năm trọn nghĩa vẹn tình”.
18. Một số hoạt động kỷ niệm 70 năm do các tổ chức Hội, trung tâm thực hiện:
- Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình Hành trình “Theo bước chân những người anh hùng” tại cấp Trung ương, địa phương và nước ngoài; tổ chức chăm lo các mẹ Việt Nam anh hùng, triển khai hoạt động Đền ơn đáp nghĩa thông qua chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh 2017”,...
- Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai đợt vận động ủng hộ mang tên “Tri ân liệt sỹ” từ ngày 2/6/2017 đến hết ngày 31/7/2017 dưới hình thức gửi tin nhắn nhằm vận động gây quỹ, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ có nhu cầu giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ, giúp đỡ những gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia ( Cổng 1400) với cú pháp nhắn tin TALS gửi 1405 (20.000đ/sms).
- Tổ chức chương trình Đại hoa Đăng trên sông Thạch Hãn. Ngày 21/7/2017, tổ chức lễ cầu siêu với sự tham dự 10.000 người.
- Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm, giao lưu tuần lễ phim văn hóa nghệ thuật “70 năm Đền ơn đáp nghĩa” từ ngày 25-27/7/2017.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại địa phương
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 895/KH-BTCQG ngày 10/3/2017 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, đến nay 100% các tỉnh, thành phố và 11 bộ, ngành đã ban hành văn bản chỉ đạo kỷ niệm, trong đó có 21 tỉnh ủy/ thành ủy ban hành Chỉ thị, công văn chỉ đạo và 42 Ủy ban Nhân dân tỉnh/ thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, bao gồm các hoạt động cụ thể như:
100% địa phương thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công; tổ chức Lễ viếng và dâng hương tại nghĩa trang Liệt sỹ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; Lễ Thắp nến, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ; phát động vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc các nghĩa trang liệt sỹ. 46/63 địa phương tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ. 35/63 địa phương tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe, tổ chức hoạt động điều dưỡng cho người có công, hỗ trợ gia đình người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ già yếu không nơi nương tựa dịp 27/7. 52/63 địa phương tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu; 36 địa phương các cấp tổ chức gặp mặt người có công. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính còn thiếu thông tin, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công cũng được hầu hết các địa phương triển khai, thực hiện./.
Phạm Linh