Trang chủ

Báo chí - xuất bản - truyền thông

Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2018
14/03/2018 | 2:31 PM

    Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2018 được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng ngày 09/3/2018 tại Trường Đại học Huế, thành phố Huế.

 

Tới dự Hội nghị có các đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí  Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng các đại biểu đến từ các Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành xuất bản phẩm trên cả nước.

 

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2018 . Ảnh: Chinhphu.vn

 

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2017 ngành xuất bản tiếp tục có những chuyển biến tích cực, các đơn vị xuất bản, hành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và có những đóng góp đối với đời sống xã hội. Nhiều nhà xuất bản đã chấm dứt tình trạng hoạt động cầm chừng, thua lỗ, chuyển sang giai đoạn phát triển, kinh doanh ổn định và có lãi. So với năm 2016, nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả và có lãi, điển hình như: Nhà xuất bản Trẻ (13,700 tỷ đồng), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật (19,722 tỷ đồng), Nhà xuất bản Kim Đồng (30,350 tỷ), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (104,793 tỷ). Các nhà xuất bản đã chú trọng, đầu tư hơn vào việc nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng nhiệm vụ chính trị, kịp thời tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được xuất bản; tiếp tục ra mắt bạn đọc mảng sách về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giới thiệu các tấm gương điển hình trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước...

Về hoạt động phát hành xuất bản phẩm, mặc dù năm 2017 còn nhiều khó khăn nhưng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại địa bàn các tỉnh, thành phố, quận, huyện về cơ bản vẫn được duy trì và phát triển. Nhiều đơn vị phát hành sách đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, năng động, tích cực tìm các biện pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngành xuất bản đã tích cực quảng bá, tham gia triển lãm - hội chợ sách. Năm 2017 là năm có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng các cuộc triển lãm - hội chợ sách trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa và hiệu ứng, góp phần thúc đấy phát triển văn hóa đọc trong đời sống văn hóa nhân dân.

Những nỗ lực của ngành xuất bản trong năm 2017 được thể hiện qua kết quả sản xuất kinh doanh đều tăng so với năm 2016. Cụ thể lĩnh vực xuất bản, tổng doanh thu: 2.892,585 tỷ đồng (tăng 31,4% so với năm 2016), nộp ngân sách: 109,311 tỷ đồng (tăng 59% so với năm 2016). Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tổng số tổng doanh thu: 3.980 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2016), tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt: 25,5 triệu USD (tăng 2% so với năm 2016), trong đó, nhập khẩu: 21,7 triệu USD, xuất khẩu: 3,8 triệu USD. Một số đơn vị điển hình trong việc đầu tư phát triển mạng lưới, mở rộng quy mô,  tiên phong trong ứng dụng công nghệ, tạo được sự tin tưởng của bạn đọc như: Công ty Cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: các nhà xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản cần quán triệt ý thức sách là tư tưởng - văn hóa, làm xuất bản là đưa tri thức đến với xã hội, là xây dựng đạo đức, phát triển nhân cách của mỗi người, là cầu nối để Việt Nam hội nhập với thế giới… Để làm được điều này, các nhà xuất bản cần thực hiện nghiêm quy trình xuất bản, quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết, chấm dứt tình trạng buông lỏng để đối tác liên kết chi phối; đồng thời các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý xuất bản; tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản…

          Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội nghị, đồng chí Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông biểu dương những thành công, nỗ lực của ngành xuất bản trong những năm gần đây, phấn đấu khắc phục khó khăn, hoạt động ổn định và có bước phát triển mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản đã được chuẩn hóa, đào tạo bài bản và không ngừng được trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Tính đến nay, đã có gần 1.300 biên tập viên trên cả nước được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Trong đó, không có biên tập viên nào để xảy ra vi phạm đến mức bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Hiện tượng sách lậu, sách vi phạm bản quyền, sách liên kết kém chất lượng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho hoạt động của các cơ sở in. Cùng với đó là những nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm để lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản.

Bộ trưởng khẳng định, Ngày Sách Việt Nam 21/4 đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đa số các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, các sự kiện về sách ở các thành phố lớn: Hội Sách Hà Nội, Phố Sách Hà Nội, Phố Sách Xuân, Hội Sách Thành phố Hồ Chí Minh, Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Đường Sách Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh)...đã để lại ấn tượng tốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Điều này cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam đang ngày càng gần gũi, khẳng định vị trí quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, để  nâng cao chất lượng của hoạt động xuất bản trong thời gian tới,  Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu ngành xuất bản tập trung giải quyết một số vấn đề:  các cơ quan chủ quản, các cơ quan, Ban ngành, các địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động xuất bản theo đúng tinh thần của Luật Xuất bản 2012, Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà xuất bản; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản, nghiên cứu triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng chiến lược, quy trình hoạt động theo hướng hiện đại và đặc biệt là xây dựng thương hiệu của nhà xuất bản; kết hợp giữa công tác quản lý với công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản; đề nghị các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo; các đơn vị tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, các Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chung tay xây dựng ngành xuất bản ngày càng phát triển, chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá sách Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản, in và phát hành năm 2017. Đơn vị của Hà Nội vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông là Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam; Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam được nhận Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản năm 2017.

 

                                                                   Phạm Thị Bích Ngọc

 

 

  quy hoạch - kế hoạch