Trang chủ

Báo chí - xuất bản - truyền thông

2.500 đại biểu sẽ dự Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô
26/07/2018 | 3:05 PM

    Chiều 24/7, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị Giao ban báo chí thông tin về Lễ kỷ niệm và kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018). Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trả lời câu hỏi của phóng viên (Ảnh: Trọng Toàn)

 

    Theo đó, ngày 28/7/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1 Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

    Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Lễ kỷ niệm là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô về tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính đối với việc nâng cao thế và lực, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại. Dự kiến sẽ có khoảng 2.500 đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.

    Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vũ Duy Tuấn, trong 10 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng bình quân 7,41%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 7,52%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Quy mô GRDP năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến hết năm 2017, dịch vụ chiếm 57,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm 2,9% (cơ cấu kinh tế năm 2008 tương ứng là 56,6% - 28,7% - 4,3%). Đặc biệt, huy động vốn đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh, giai đoạn 2008-2017, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 2,03 triệu tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD. Riêng năm 2017, huy động tổng vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hằng năm 15,21%.

 

Không gian đô thị thành phố Hà Nội (Ảnh: BTC)

 

    Các giá trị văn hóa truyền thống cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. An sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo. Diện mạo Thủ đô có chuyển biến rõ nét. Xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với các làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng…

   Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc giãn dân, giảm mật độ dân số nội đô còn chậm; tiến độ triển khai các khu đô thị vệ tinh chưa đáp ứng yêu cầu, hay hạ tầng giữa khu vực nội đô với khu vực ngoại thành chưa đồng bộ... Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các đường vành đai, trục hướng tâm, trong đó, có QL6, đường 21 đi Sơn Tây sẽ được mở rộng, trục Hoàng Quốc Việt kéo dài lên Bắc Từ Liêm, Đan Phượng... Trục hướng tâm nữa là qua cầu Tứ Liên, nối lên Đông Anh... từ đó sẽ tạo sự kết nối giữa khu vực trung tâm với ngoại thành.

   Tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của Hà Nội trong 10 năm qua đã cho thấy tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; đồng thời, khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Phạm Linh

  quy hoạch - kế hoạch