Báo chí - xuất bản - truyền thông
Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Lễ ký kết Hiệp định EVFTA – Ảnh: Hồng Hạnh. (Nguồn https://moit.gov.vn)
Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương về các nội dung cụ thể sau:
Chương 1 - Mục tiêu và Định nghĩa chung
Chương 2 - Đối xử quốc gia và Mở cửa thị trường đối với hàng hóa, bao gồm các cam kết liên quan tới việc mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa EU và ngược lại. Chương này bao gồm các cam kết cụ thể về việc loại bỏ thuế quan và các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU và cam kết liên quan tới một số loại hàng hóa đặc thù.
Chương 3 - Phòng vệ Thương mại, bao gồm các cam kết giữa Việt Nam và EU về các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên.
Chương 4 - Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại, bao gồm các cam kết về các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển giữa Việt Nam và EU. Các cam kết này ảnh hưởng trực tiếp tới các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Chương 5 - Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam/EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại đối với hàng hóa.
Chương 6 - Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam/EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.
Chương 7 - Các rào cản phi thuế với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo. Đây là Chương khá đặc thù, với các cam kết chỉ liên quan tới lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, đại dương, biogas…) và nhóm sản phẩm năng lượng tái tạo. Mục tiêu của Chương này là hợp tác trong xóa bỏ hoặc giảm các rào cản phi thuế, phối hợp trong các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với lĩnh vực đặc biệt này. Ngoài các quy định chung về diện áp dụng, ngoại lệ và các định nghĩa liên quan, Chương này bao gồm các cam kết về 02 mảng vấn đề là: giảm và/hoặc loại bỏ các rào cản phi thuế và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.
Chương 8 - Tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, bao gồm nhóm cam kết trong 03 lĩnh vực thương mại quan trọng là (i) Dịch vụ qua biên giới, (ii) Đầu tư và (iii) Hiện diện thể nhân. Ngoài ra Chương này cũng bao gồm một số cam kết về các quy định pháp lý liên quan tới việc cung cấp dịch vụ và mạng lưới viễn thông công cộng, tài chính (có thể coi là các cam kết về dịch vụ riêng đối với các lĩnh vực này).
Chương 9 - Mua sắm công, bao gồm các cam kết về nguyên tắc trong mua sắm công (tức là các nguyên tắc trong thủ tục đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng ngân sách công của các cơ quan Nhà nước có liên quan) và phần phụ lục với các cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công của Việt Nam cho các nhà thầu EU và ngược lại.
Chương 10 - Chính sách cạnh tranh, bao gồm các cam kết liên quan tới 02 nhóm vấn đề riêng rẽ là (i) pháp luật cạnh tranh và (ii) trợ cấp.
Chương 11 - Doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, Doanh nghiệp được cấp đặc quyền hoặc ưu đãi đặc biệt, và Doanh nghiệp độc quyền chỉ định, bao gồm các cam kết liên quan tới 03 nhóm doanh nghiệp: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có quyền và ưu tiên đặc biệt và doanh nghiệp độc quyền chỉ định.
Chương 12 - Sở hữu trí tuệ, gồm tất cả các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định này, tập trung vào 03 nhóm (i) các vấn đề chung; (ii) các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể; (iii) các biện pháp thực thi quyền SHTT.
Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững, bao gồm các cam kết liên quan tới các vấn đề về phát triển bền vững bao gồm 17 Điều chia thành 03 nhóm nội dung: (i) Các cam kết về cách thức ban hành các tiêu chuẩn, quy định nội địa liên quan tới các khía cạnh bền vững; (ii) Các cam kết về các khía cạnh cụ thể của phát triển bền vững (lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); (iii) Các vấn đề khác (giải quyết tranh chấp…)
Chương 14 - Minh bạch hóa, quy định các nghĩa vụ minh bạch chung, liên quan tới việc ban hành và thực thi pháp luật (bao gồm tất cả các biện pháp, quy định, thủ tục... có liên quan tới các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA)
Chương 15 - Giải quyết tranh chấp, bao gồm các cam kết liên quan tới cơ chế phòng tránh và giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và EU trong giải thích và áp dụng các cam kết trong EVFTA. Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ, chỉ có thể sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên (Việt Nam và EU) và chỉ sử dụng để giải quyết các tranh chấp xuất phát từ hoặc dựa trên các cam kết của EVFTA.
Chương 16 - Hợp tác và Nâng cao năng lực, bao gồm các cam kết về hoạt động hợp tác và hỗ trợ thực thi Hiệp định này cũng như tăng cường thương mại đầu tư nói chung giữa Việt Nam và EU. Việc hợp tác và hỗ trợ này là ở cấp Chính phủ, giữa cơ quan có thẩm quyền của hai Bên và không bao gồm các hình thức hợp tác cụ thể đã nêu trong các Chương riêng của EVFTA.
Chương 17 - Các điều khoản về thể chế, Các điều khoản chung và Các điều khoản cuối cùng, bao gồm các cam kết về các vấn đề chung như cơ quan thực thi, mối quan hệ giữa EVFTA với các Hiệp định thuế, các vấn đề riêng và về việc sửa đổi nội dung Hiệp định.
Hiệp định EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai Hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần tìm hiểu và nắm rõ nội dung các cam kết chính của Hiệp định để có thể chủ động nắm bắt thông tin, đón bắt những lợi thế từ Hiệp định.
Để kịp thời thông tin rộng rãi về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định EVFTA tới các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội và hệ thống thông tin cơ sở chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến Hiệp định.
Kim Chi