Trang chủ

Chuyển đổi số

Hội nghị triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã thuộc 6 huyện trên địa bàn Thành phố
04/11/2016 | 4:13 PM

Ngày 02/11, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã thuộc 6 huyện. Chủ trì Hội nghị Đồng chí Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT&TT, đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội, Công an Thành phố, đại điện lãnh đạo các quận, huyện và các cơ quan báo chí Thành phố tham dự Hội nghị triển khai.

 

Đồng chí Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Yến

 

Triển khai Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND Thành phố về việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành triển khai giai đoạn 1 tại 139 xã thuộc 6 Huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm. Ngày 01/11, các xã đã đưa vào vận hành chạy thử hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp. Dự kiến, 139 xã thuộc 6 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm sẽ chính thức vận hành triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp vào ngày 10/11/2016.

Tính đến thời điểm hiện tại, 139 xã thuộc 6 huyện trên địa bàn Thành phố đã hoàn tất công tác chuẩn bị điều kiện về hạ tầng mạng WAN, máy tính hoạt động ổn định phục tốt cho việc cài đặt và sử dụng các dịch vụ công mức độ 3 theo từng giai đoạn triển khai. Mặt khác, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị triển khai giải pháp ảo hóa của Microsoft, thực hiện cài đặt trên máy tính của các cán bộ một cửa và cán bộ tư pháp của 139 xã thuộc 6 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm. Kết quả, huyện Thanh Trì với 16 xã có 27/32 máy đã hoàn thành cài đặt; huyện Gia Lâm với 22 xã có 29/44 máy đã hoàn thành cài đặt; huyện Đông Anh với 24 xã có 38/48 máy đã hoàn thành cài đặt; huyện Hoài Đức với 20 xã có 38/40 máy đã hoàn thành cài đặt; huyện Ba Vì với 31 xã có 61/62 máy đã hoàn thành cài đặt; huyện Sóc Sơn với 26 xã có 16 xã thực hiện và đạt 23/32 máy đã hoàn thành cài đặt, ngày 02/11 sẽ thực hiện tiếp tại 10 xã còn lại.

Về cài đặt phần mềm, phần mềm ứng dụng đã được cài đặt trên hệ thống ảo hóa, đảm bảo sử dụng ổn định và thống nhất, đồng bộ khi cập nhật. Công ty Nhật Cường phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Thành phố đảm bảo kết nối liên thông tới hệ thống đăng kí bảo hiểm Y tế của Bảo hiểm xã hội Thành phố để Bảo hiểm xã hội các huyện thực hiện việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính theo thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT đảm bảo chất lượng, tiến độ. Cùng với đó, Công ty Nhật Cường đang tiếp tục phối hợp với Công an Thành phố triển khai kết nối liên thông tới hệ thống quản lý hộ khẩu của Công an Thành phố để Công an các huyện và xã, phường, thị trấn trực thuộc thực hiện việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Công tác đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm cũng được chú trọng. Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Tư pháp, Công ty Nhật Cường tổ chức 8 lớp đào tạo tập trung tại Trung tâm đào tạo CNTT & TT cho 3 huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì trong 2 ngày 28 và 29/10/2016; 10 lớp đào tạo tại huyện cho 3 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh.

Tham dự Hội nghị các đơn vị đã báo cáo với Sở TT&TT về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến như: tại một số xã còn thiếu máy tính hoặc máy tính không đảm bảo cấu hình để cài đặt ứng dụng ảo hóa. Thiếu máy tính, máy quét để hỗ trợ cho người dân khi đến làm thủ tục. Mặc dù đã được tổ chức hướng dẫn, tập huấn, tuy nhiên một số cán bộ còn chưa quen các thao tác xử lý trên phần mềm, cán bộ tại một số đơn vị tham gia đào tạo chưa đầy đủ. Một số đơn vị cần bổ sung thêm quyền, thay đổi quyền sử dụng trên hệ thống. Công tác tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp chưa thống nhất khi sử dụng.

 

Phát biểu Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT đánh giá cao công tác phối hợp, triển khai nghiêm túc của các đơn vị cấp xã thuộc 6 huyện trong quá trình vận hành thử. Đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai. Đồng chí cho biết, Sở TT&TT sẽ làm việc với ngành Tư pháp, Công an Thành phố cũng như những đơn vị liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho các xã vận hành tốt hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp sau thời gian chạy thử. Đảm bảo hoạt động của Tổ hỗ trợ kỹ thuật là đầu mối tiếp thu, giải đáp, khắc phục vướng mắc, sự cố của đơn vị và công dân, tổ chức trong quá trình khai thác, sử dụng; tiếp tục thực hiện việc cài đặt ảo hóa tại các xã chưa hoàn thành và xem xét việc báo cáo Thành phố hỗ trợ trang thiết bị cho các đơn vị, đặc biệt là thiết bị hỗ trợ công dân. Bên cạnh đó, Sở thống nhất với các đơn vị mở lại lớp đào tạo cho các cán bộ đầu mối và cán bộ trực tiếp làm công tác trên cũng như hoàn thành việc cấp tài khoản cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ… Riêng với các quận, huyện, Giám đốc Sở TT&TT yêu cầu các đơn vị ban hành kế hoạch triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp trong đó nêu rõ lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể; tổ chức các hội nghị triển khai xuống các xã, phường; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp kết nối với tổ kỹ thuật Thành phố…

Đồng thời, Sở TT&TT chủ trì và đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp. Sở đề nghị các cơ quan báo chí Thành phố mở các chuyên trang, chuyên mục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ; phát tờ rơi, clip tại bộ phận một cửa, trên các Cổng thông tin để hướng dẫn quy trình cho người dân./.

Hải Yến 

  quy hoạch - kế hoạch