Chuyển đổi số
Ngày 5/4, dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 tại Hà Nội.
Đ/c Ngô Văn Quý- PCT UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Ảnh: Quang Tuấn
Với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ,” hội thảo này có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp, các chuyên gia công nghệ chia sẻ những giải pháp công nghệ thông tin toàn diện giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo Ông Ngô Văn Quý nhận định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới với Internet kết nối vạn vật trong vật lý, kỹ thuật số, sinh học, có liên quan chặt chẽ và thâm nhập lẫn nhau. Cũng như các cuộc Cách mạng công nghiệp trước đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần này mang lại cả thách thức và cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ/chính quyền. Chính quyền sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng và với việc đề ra các chính sách.
Thành phố Hà Nội nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố. Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử không chỉ là trang bị máy tính, mạng Internet, hay ứng dụng công nghệ thông tin đơn thuần, mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý xã hội, là chất lượng phục vụ người dân ngày càng nâng cao.
Cũng theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố, Cổng dịch vụ công; Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai; Hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị.
Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017. Ảnh: Quang Tuấn
Đến nay, Thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và trong năm 2016, triển khai 129 Dịch vụ công mức 3 các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận huyện, 584 xã, phường và. Số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các Dịch vụ công lĩnh vực tư pháp (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND Phường, Xã, Thị trấn) đạt trên 70%.
Với những kết quả đã đạt được, hiện tại, Hà Nội đang xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT.
Kết thúc bài phát biểu Khai mạc Hội thảo đồng chí Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của mọi chính quyền là phục vụ tốt nhất mọi người dân. Vì mục tiêu này, chính quyền thành phố Hà Nội luôn mong muốn lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, người dân đóng góp cho quá trình kiến tạo phát triển của Thủ đô. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra và sẽ không chờ đợi bất cứ ai. Tôi tin tưởng rằng, Hội thảo lần này sẽ đóng góp cả những vấn đề lý luận và thực tiễn quý báu, thực trạng và giải pháp phong phú cho những người làm quản lý nói chung và người làm quản lý trong khu vực công nói riêng.
Đ/c Phan Lan Tú-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham gia tọa đàm “Tầm nhìn và giải pháp phát triển
thành phố t hông minh”. Ảnh: Quang Tuấn
Song song với Hội thảo chuyên đề, Triển lãm Công nghệ về Chính phủ điện tử 2017 trưng bày và giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu như: Hạ tầng truyền thông; Trung tâm cơ sở dữ liệu; Dữ liệu lớn; Điện toán đám mây; Hệ thống xác thực Quốc gia; Trung tâm kết nối; Giải pháp quản lý và chia sẻ dữ liệu tiêu biểu; Bảo mật thông tin; Mã nguồn mở… Ngoài ra, khách tham dự triển lãm có thể trực tiếp trao đổi và thảo luận với các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc./.
Quang Tuấn