Trang chủ

Chuyển đổi số

Kết quả 10 năm ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước TP Hà Nội (2001 – 2010): Xây dựng vững chắc nền hành chính điện tử
26/08/2011 | 12:00 AM

Công nghệ thông tin (CNTT) là yếu tố quan trọng xây dựng thành công nền hành chính điện tử, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả quan.

CNTT trong quản lý, điều hành, tác nghiệp

Hạ tầng kỹ thuật của Thành phố và của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển đúng định hướng; về cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước: Hạ tầng mạng diện rộng (WAN) kết nối các cơ quan chính quyền của Hà Nội đã được hoàn tất tới 116 điểm; Trung tâm Dữ liệu Nhà nước của Thành phố đang được khẩn trương triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011; Tỉ lệ bình quân máy tính/cán bộ toàn Thành phố là 72,3%; 100% sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã có mạng nội bộ (LAN) hoạt động và kết nối Internet băng thông rộng; 16/29 quận, huyện, thị xã đã thực hiện kết nối giữa UBND quận, huyện, thị xã với UBND phường, xã (ADSL-VPN); Hầu hết các đơn vị đều đã sử dụng phần mềm diệt virus, một số đơn vị đã sử dụng thiết bị an toàn bảo mật Firewall.

Một số ứng dụng cơ bản trong quản lý, điều hành như: Hệ thống giao ban trực tuyến của Thành phố trên mạng dùng riêng đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động, nhằm tạo môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước; Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử, phần mềm "Một cửa" điện tử liên thông được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn Thành phố; Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội và các trang thông tin điện tử đã cung cấp thông tin hoạt động của các đơn vị; 100% dịch vụ công trực tuyến (mức 1 và mức 2) phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra một số phần mềm chuyên ngành như Quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, Quản lý Hộ tịch, Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất cũng được triển khai tại một số đơn vị, bước đầu có hiệu quả tốt. Các hệ thống thông tin quản lý đô thị địa chính, kinh tế và văn hóa xã hội đã và đang được hình thành như: Hệ thống thông tin cấp đăng ký kinh doanh, Hệ thống thông tin tài chính TP Hà Nội, Hệ thống thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo...

Các Cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ cho 10 nhóm dịch vụ công cơ bản đã và đang được triển khai như: CSDL dân cư của Thành phố, CSDL về tài nguyên môi trường, CSDL quản lý tài sản công lĩnh vực hành chính sự nghiệp, CSDL cấp ph;ép xây dựng, CSDL doanh nghiệp, CSDL về các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho lãnh đạo, cán bộ công chức của Thành phố có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền cho đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng được triển khai dưới nhiều hình thức (trên Cổng GTĐT Hà Nội, tập san, truyền hình...). Hiện toàn Thành phố đã có 45/49 đơn vị có cán bộ chuyên trách có bằng đại học, cao đẳng hoặc trung cấp về CNTT. Một số đơn vị có Trung tâm hoặc một bộ phận chuyên trách về ứng dụng CNTT như: Văn phòng UBND, Văn phòng Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng CNTT có hiệu quả, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Bộ TT&TT về ứng dụng CNTT, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TU ngày 09/6/2009 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về việc ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố", UBND Thành phố đã ra Kế hoạch 80/KH-UBND ngày 10/6/2010 về "Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thành phố đến 2010, định hướng đến năm 2015". Công tác xây dựng Quy hoạch ngành và xây dựng Chiến lược, lộ trình, kiến trúc CNTT-TT (thuộc dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, Hợp phần Hà Nội) đang được tích cực triển khai. Ngoài ra còn có một số văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT như: Quyết định số 111/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố về cơ chế đặc thù cho cán bộ CNTT; Các văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật một số ứng dụng dùng chung đã giúp các đơn vị định hướng về kỹ thuật khi xây dựng các ứng dụng tại đơn vị.

Nhìn chung, ứng dụng CNTT đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, góp phần thay đổi phong cách làm việc của các lãnh đạo, cán bộ công chức, nhằm hướng tới một nền hành chính điện tử minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Những tồn tại và nguyên nhân

Trong 2 năm gần đây, Thành phố đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị, song việc đầu tư cho hạ tầng an toàn, an ninh thông tin cho các đơn vị chưa nhiều. Phần lớn các đơn vị đều chưa trang bị thiết bị an toàn bảo mật Firewall, thiết bị phát hiện và phòng chống thâm nhập IDS, IPS; chưa xây dựng cơ chế quản lý tài nguyên hệ thống, quản lý và kiểm soát an toàn thông tin, chưa ứng dụng các phần mềm quản lý chính sách. Thêm vào đó là công tác giáo dục, đào tạo cán bộ nhân viên về sự cần thiết của bảo mật cũng như việc thực hiện các biện pháp, quy định bảo mật của đơn vị hầu như không có.

Nhìn chung các cơ quan nhà nước chưa tận dụng hết hạ tầng thiết bị CNTT đã được đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Tỉ lệ cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện trong công việc chưa cao, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp chủ yếu để quản lý văn bản đi đến. Ứng dụng "Một cửa", "Một cửa điện tử liên thông" tại các sở, ngành và một số huyện phía Tây còn yếu. Nhiều website, cổng thông tin của các đơn vị chỉ đạt ở mức có tương tác với hệ thống hoặc dưới mức công bố thông tin; giao dịch với công dân và doanh nghiệp không có. Việc xây dựng các CSDL dùng chung, cung cấp 10 nhóm dịch vụ công mức 3 theo Kế hoạch 80/KH-UBND hầu như không thực hiện được.

Ứng dụng CNTT chưa được quy hoạch đồng bộ ở phạm vi Thành phố. Các ứng dụng tại các đơn vị được phát triển độc lập, các CSDL chủ yếu được sử dụng trong nội bộ từng cơ quan, không được chuẩn hóa nên khó tích hợp, chia sẻ, khai thác thông tin để phục vụ quản lý điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp. Còn thiếu những cơ chế, quy định, hướng dẫn cụ thể, các chuẩn trong việc ứng dụng và phát triển CNTT. Các dự án đầu tư CNTT thường bị chậm. Quy trình quản lý các dự án CNTT chưa được bài bản, mặc dù đã có Nghị định 102/NĐ-TTg về các dự án đầu tư CNTT; tuy nhiên việc triển khai trong thực tiễn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng dự toán tổng mức đầu tư, định mức, tư vấn... Đa số các dự án chỉ khả thi về công nghệ, chưa khả thi từ góc độ quy trình nghiệp vụ, hoặc đòi hỏi các yêu cầu vượt ngoài yếu tố CNTT, do vậy mà kết quả bị hạn chế.

Nhận thức của cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt về CNTT chưa đầy đủ, có tầm nhìn nhưng chưa thể chế hoá, chưa có bước đi cụ thể thực tế; cách tiếp cận chưa gắn vào nghiệp vụ, vào mục tiêu của tổ chức, nhiều khi quá cầu toàn, bỏ phí cơ hội; năng lực triển khai, quản lý các chương trình, đề án, dự án CNTT còn hạn chế. Bộ máy QLNN về CNTT cấp huyện còn yếu; các cán bộ lãnh đạo huyện chưa có sự quan tâm đúng mức cho chỉ đạo, triển khai ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị mình.

Nhìn chung năng lực cán bộ CNTT trong các cơ quan nhà nước của Thành phố còn hạn chế, không đồng đều, thiếu ổn định, thường xuyên luân chuyển. Chính sách khuyến khích, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các cơ quan nhà nước của Thành phố chưa được chưa thỏa đáng nên thiếu nguồn nhân lực CNTT cả về số lượng và chất lượng.

Công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức về CNTT cho cán bộ công chức Hà Nội chưa có kế hoạch dài hơi; chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ CNTT đúng mức. Hà Nội hiện chưa có quy định cụ thể về CIO, chưa có quy hoạch và kế hoạch đào tạo CIO cho các đơn vị.

Ứng dụng CNTT nhằm đổi mới lề lối làm việc, tiết kiệm thời gian, kinh phí và nâng cao hiệu quả công việc có tiến bộ, song chưa đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu ngày càng cao của thực tế.

* Xem chi tiết Thực trạng hệ thống CNTT trong cơ quan Nhà nước.

  quy hoạch - kế hoạch