Trang chủ

Chuyển đổi số

Phát triển “đô thị thông minh”: Không thể "quên" hạ tầng CNTT
23/08/2011 | 12:00 AM

Quy hoạch ở tầm vĩ mô thiếu đồng bộ, nhà đầu tư thiếu vốn, thiếu nhận thức về CNTThellip; - những thực tế đó đang khiến cho câu chuyện xây dựng hạ tầng CNTT tại các tograve;a nhà, khu đô thị Việt Nam vấp phải vô vàn thách thức để tiến tới xây dựng một ldquo;đô thị thông minhrdquo;.

CNTT chưa được chú trọng

Theo nhận định của bà Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), từ năm 1999 đến 2010, dân số đô thị tại Việt Nam đã tăng từ con số 18,3 lên 26 triệu người, có khoảng 755 khu đô thị. Cùng đó, đến năm 2040 tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay và đồng thời thêm 20 triệu người sinh sống.

Từ tốc độ phát triển "chóng mặt" như vậy, tại hội thảo, các chuyên gia khuyến cáo đến hàng loạt thách thức lớn đối với câu chuyện phát triển của hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị Việt Nam trong tương lai. Tức là, ngoài vấn đề giao thông, điện, nước..., thì việc phát triển hạ tầng mạng truyền dẫn, kết nối thông tin theo xu hướng "kết nối thông minh" (để giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời giúp cho đô thị có thể phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng...) đang là thực tế được đặt ra cấp bách.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại con đường để đi đến "đô thị thông minh" tại Việt Nam đang tỏ ra quá nhiều chông gai do sự phát triển hiện còn nhiều bất cập. Từ thực tế tại một số khu đô thị như Định Công, Việt Hưng, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)..., trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng sự phát triển của hạ tầng đô thị tại Việt Nam phần lớn thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch các công trình viễn thông thụ động, hạn chế trong vấn đề ngầm hóa các mạng cấp thông tin, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông..., do vậy đây là thực tế khiến tình trạng "mạnh ai nấy làm" hoặc vẫn chủ yếu chú trọng đến việc xây dựng nhà ở đơn thuần rất phổ biến.

Trao đổi thêm, ông Đặng Thạch Quân - Giám đốc Điều hành Công ty Công nghệ Quang Dũng (QD.Tek) bày tỏ: Phần lớn các nhà đầu tư đang gặp phải nhiều trở ngại liên quan đến kinh phí, nhu cầu của người dân chưa cao về các tiện ích liên quan đến hạ tầng CNTT..., nhưng còn đáng lo ngại hơn là nhận thức về CNTT của chủ đầu tư các khu đô thị, các tòa nhà tại Việt Nam còn hạn chế, họ gặp khó khi giải bài toán lợi ích sau đầu tư, không lường trước được sự phát triển của công nghệ sẽ phát triển ra sao để đáp ứng nhu cầu thực tế trong 10 năm, hoặc 15 năm tới. "Thực tế này đang khiến cho chất lượng sống của người dân khó được cải thiện, nếu không theo kịp thực tế thì các nhà đầu tư "lạc hậu" sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ", ông Quân khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Lê Phong Dinh - Giám đốc kinh doanh Công ty Dimension Data Việt Nam cũng cho rằng hầu hết hiện nay chủ đầu tư các tòa nhà, khu đô thị tại Việt Nam chưa xây dựng được bộ phận quản trị chuyên trách về CNTT (có thể do thiếu nguồn đầu tư hoặc không quan tâm) để vận hành hệ thống quản lý thông tin, truyền dẫn trong tòa nhà. Thực tế này khiến cho chất lượng sống, làm việc của người dân bị hạn chế, và người dân muốn sử dụng được các tiện ích (như lắp camera giám sát) vẫn phải tự... đi mua và lắp đặt, trong khi những dịch vụ giá trị gia tăng như vậy các chủ đầu tư hoàn toàn có thể cung cấp cho khách hàng để sinh lợi trong lâu dài (trong khi đó, tại nhiều nước như Singapore, Malaysia... người dân khi đến mua các căn hộ sẽ được chủ đầu tư cung cấp danh mục tiện ích như camera, Internet, điện thoại..., nếu cần dùng, chỉ cần đăng ký là phía chủ đầu tư tòa nhà sẽ thực hiện kết nối, lắp đặt).

Làm gì để có "đô thị thông minh"?

Tuy nhiên, cũng đáng chú ý là giữa lúc bức tranh về hạ tầng công nghệ truyền dẫn, thông tin liên lạc tại đô thị Việt Nam còn hạn chế thì hiện nay nhiều tòa nhà như Tập đoàn M&C, Keangnam, The Manor, Saigon Pearl... hay khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đang bước đầu triển khai hệ thống truyền dẫn, thông tin liên lạc hiện đại, ứng dụng hệ thống quản lý CNTT tòa nhà để tiến đến cao ốc, khu đô thị "thông minh".

Đưa ra gợi ý cho vấn đề "cần làm gì để Việt Nam ngày càng có nhiều cao ốc, khu đô thị thông minh" trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng trong vấn đề định hướng phát triển đối với khu đô thị, quy hoạch xây dựng công trình phải bao gồm cả quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đẩy mạnh "ngầm hoá" mạng cấp thông tin, xã hội hoá việc phát triển hạ tầng thông tin, đưa ra quy định sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động... Còn ông Đặng Thạch Quân nhấn mạnh Chính phủ cần có động thái như khuyến khích chủ đầu tư các khu đô thị nếu đầu tư cho hệ thống thông tin "thông minh" sẽ được ưu đãi như giảm thuế trong thời gian nhất định, hoặc là được tuyên dương như một điển hình trong xã hội để nâng cao uy tín...

Cùng đó, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng chỉ ra một bất cập cần tháo gỡ, đó là để thực sự tạo ra "đô thị thông minh" tại Việt Nam thì điều quan trọng chính là giải pháp của các tòa nhà, khu đô thị cũng phải có sự kết nối với nhau. Bởi nếu sự "thông minh" chỉ giới hạn trong một tòa nhà, các công nghệ ứng dụng của từng tòa nhà được phát triển bởi các nhà cung cấp khác nhau, không "nói chuyện" được với nhau thì bức tranh tổng thể về đô thị hiện đại của Việt Nam vẫn còn là viễn cảnh rất xa.

Về vấn đề này, bà Mrinalini Ingram Bio - Phó Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Chiến lược "Thông minh + Kết nối" (S+CC) của công ty Cisco tỏ ra lạc quan khi nhận định việc ứng dụng CNTT tại Việt Nam phát triển nhanh là yếu tố thuận lợi cho tương lai của "đô thị thông minh", đồng thời bà cho rằng Chính phủ, Nhà nước cần có giải pháp để kết nối công nghệ giữa các khu đô thị (dù rằng đây là một thách thức không nhỏ) và để xây dựng được một đô thị thông minh thì đó không chỉ là câu chuyện của riêng Cisco hay của riêng ai, mà cần có sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của nhiều hãng khác tại Việt Nam.

  quy hoạch - kế hoạch