Chuyển đổi số
Công nghiệp CNTT là ngành kinh tế - tri thức, công nghệ cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, là động lực phát triển các ngành kinh tế khác. Để CN CNTT phát huy vai trograve; là ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến 2015 của ngành là tổng doanh thu 5 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.
Về trung hạn, đảm bảo các chỉ tiêu đến năm 2015: quy hoạch và xây dựng ít nhất 5 khu công nghiệp phần mềm và nội dung số (tập trung 40.000 lao động phần mềm và sản phẩm nội dung số); 2 khu công nghiệp phần cứng quy mô lớn, hiện đại; hình thành các khu hành lang CNTT và truyền thông đa phương tiện, các cơ sở đào tạo cho 60.000 nhân lực CNTT; công nghiệp phần mềm tăng trưởng 30%/ năm, doanh thu 1,1 tỷ USD/ năm, 30% giá trị phục vụ xuất khẩu, 5 doanh nghiệp đạt CMMI5, 10 doanh nghiệp đạt CMMI mức thấp hơn, 50 doanh nghiệp đạt ISO; công nghiệp nội dung số tăng trưởng 30%/ năm, doanh thu 900 triệu USD/ năm; doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 3 tỷ USD, 80% cho xuất khẩu.
Để những mục tiêu trên thành hiện thực, Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách phát triển CN CNTT như sau:
Một là, hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển ngành CNTT trên địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về CN CNTT. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành CN CNTT trên địa bàn; phối hợp thông tin giữa các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội. Thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số cho toàn dân. Ban hành quy định phù hợp cam kết WTO. Hỗ trợ thương mại hoá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Hai là, xây dựng phát triển các khu CN CNTT tập trung và thu hút đầu tư. Ưu tiên quỹ đất để quy hoạch, đầu tư hạ tầng hiện đại cho khu CN CNTT. Ưu tiên thuận lợi về giao thông và hạ tầng cho khu công nghiệp phần mềm và nội dung số. Thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu CN CNTT. Xây dựng Quy chế Khu CNTT tập trung của Hà Nội, hỗ trợ các Khu CN CNTT tập trung phát triển đúng định hướng.
Ba là, hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp CN CNTT trên địa bàn Thành phố. Thực hiện mô hình "Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm và nội dung số". Áp dụng chuẩn CMM, CMMI, ISO sản xuất phần mềm. Hỗ trợ doanh nghiệp CNTT xây dựng thương hiệu, tài sản sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT hưởng ưu đãi: thuê đất, mặt bằng, điện, nước, viễn thông - Internet và các ưu đãi khác.
Bốn là, phát triển thị trường cho công nghiệp CNTT. Tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc trung tâm thương mại ở nước ngoài. Hỗ trợ tiếp cận thị trường dịch vụ gia công phần mềm thế giới. Công khai minh bạch các dự án CNTT của Nhà nước, hỗ trợ thông tin dự án, ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm sản xuất nội địa trong các dự án dùng ngân sách. Xây dựng Website quảng bá thương hiệu. Biên soạn sách trắng, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của sản phẩm, dịch vụ phần mềm và nội dung số. Triển khai chương trình kích cầu thị trường.
Năm là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp CNTT. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn. Tăng cường năng lực và cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Đào tạo CNTT-TT. Tăng cường loại hình đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, đào tạo nghề, mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp -viện, trường - cơ quan quản lý nhà nước). Thu hút nhân lực trình độ cao và chuyên gia giỏi CNTT về Thủ đô. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động CNTT, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi chuyên gia.
Sáu là, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm phần mềm và nội dung số trọng điểm. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Phát triển các sản phẩm dựa trên mã nguồn mở; hỗ trợ dự án "công nghệ thông tin xanh" nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích sản phẩm ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thương mại điện tử, sản phẩm đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của xã hội; đưa Internet và các thành tựu CNTT gần với người dân Việt Nam.
Bảy là, tăng cường phát triển hạ tầng thông tin cho CN CNTT trên địa bàn. Hỗ trợ giá cước và đường truyền trong khu CN CNTT tập trung, hoặc cho doanh nghiệp CNTT quy mô lớn. Hỗ trợ nâng cấp đường kết nối, cải thiện chất lượng đường truyền Internet. Phát triển mạng viễn thông băng rộng; mở rộng loại hình kết nối, nâng cấp và mở rộng truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh để đa dạng hoá cơ sở hạ tầng thông tin.
Chương trình phát triển CN CNTT thành phố Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đưa ra các nhóm đề án, dự án trọng điểm:
1, Nhóm dự án đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các khu CN CNTT tập trung đến năm 2020, do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì: Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm của Thành phố Hà Nội (2011 - 2015); Các dự án đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các khu CN CNTT tập trung khác (2011 - 2020).
2. Dự án điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá số liệu thống kê về hoạt động CN CNTT trên địa bàn Hà Nội và xây dựng cơ sở dữ liệu về CN CNTT của Thành phố, do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì (2010 - 2015).
3. Nhóm 2 dự án hỗ trợ doanh nghiệp, gồm: Dự án hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Hà Nội do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì (2011 - 2015) và Dự án xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu phần mềm và nội dung số do Sở Công thương chủ trì (2011 - 2015).
4. Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CN CNTT trên địa bàn Hà Nội, do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì (2011 - 2015).