Chuyển đổi số
Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) vừa khai mạc sáng ngày 25/6, là diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác doanh nghiệp, do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên. Tham dự diễn đàn, Đồng chí Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát biểu tham luận về "Chủ trương và định hướng phát triển đô thị thông minh của thành phố Hà Nội".
Tham luận nhấn mạnh: các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô như Mạng tin học diện rộng Thành phố (WAN), Trung tâm dữ liệu Nhà nước Thành phố, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố đã được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị bước đầu đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, phục vụ tác nghiệp, điều hành hoạt động của đơn vị. Các ứng dụng dùng chung như thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, phần mềm Một cửa điện tử liên thông được triển khai thống nhất đến các UBND phường, xã, thị trấn. Trên 20 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai, trong đó có CSDL dân cư. Các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp được chú trọng với 100% các đơn vị có Website/cổng thông tin điện tử, cung cấp 100 % dịch vụ công mức 2 và trên 200 dịch vụ công mức độ 3 và 4, trong đó có những dịch vụ công đạt tỷ lệ giao dịch trực tuyến trên 70-80%.
Một số lĩnh vực quản lý quan trọng như quy hoạch, xây dựng, đô thị, tài nguyên, môi trường, giao thông, y tế, giáo dục đạt những kết quả đáng ghi nhận. Những tòa nhà "thông minh" tiết kiệm sử dụng năng lượng, tích hợp truyền thông Internet, giám sát cháy nổ như KeangNam, Vincom, Royal City… xuất hiện ngày càng nhiều. Các công trình giao thông đường bộ gắn với ứng dụng hệ thống như: Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của thành phố; "Ứng dụng VOV bản đồ giao thông"... Ngành y tế cũng bước đầu đầu tư triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý ngành và hỗ trợ khám, chữa bệnh như: Phần mềm quản lý, đăng ký hành nghề y dược tư nhân qua mạng, Hệ thống thông tin điện tử phục vụ giám sát, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm; Hệ thống thiết bị Telemedicine (khám bệnh từ xa). Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục của thành phố được đặc biệt quan tâm: kết nối mạng Internet băng thông rộng được trang bị đến tất cả các đơn vị trong toàn ngành, hơn 73% trường học được trang bị phòng máy hoặc phòng họp đa chức năng. Các phần mềm quản lý Trường học, phần mềm Thi và tuyển sinh, Báo cáo thống kê, Quản lý thư viện điện tử, Quản lý học liệu điện tử, kênh kết nối Nhà trường-Gia đình được áp dụng hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý đã làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý của các đơn vị, xử lý công việc của cán bộ, công chức, công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức cá nhân và góp phần giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ công dân, tổ chức tốt hơn.
Tham luận cũng cho biết, một nửa dân số thế giới sinh sống ở các thành phố, và theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, số dân thành thị sẽ tăng lên đến 6,3 tỷ người vào năm 2050. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay thì nhu cầu cần phải có một mô hình thành phố thông minh bền vững, xem xét các nguồn lực và tích hợp các đặc tính của thành phố sinh thái với thành phố thông minh càng đặt ra cấp thiết.
Trên thực tế, việc xây dựng một "thành phố thông minh" đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Mặc dù có đến 6 tiêu chí để xác định một thành phố thông minh, nhưng mỗi thành phố đều xác định một hướng trọng tâm riêng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình. Tại diễn đàn, đồng chí Phan Lan Tú chia sẻ những nội dung của Quy hoạch phát triển CNTT thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, theo đó xác định nội dung quan trọng là ứng dụng CNTT phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội thành "thành phố thông minh hơn" với trọng tâm là "chính quyền điện tử" hiệu quả trong quản lý, điều hành, hướng tới hình thành và phát triển kinh tế tri thức, đưa Thủ đô tham gia vào các diễn đàn thành phố thông minh trên thế giới./.